top of page
Black Minimalist Modern AI Robot Presentation-2.png

KỲ 1

Vì thiếu kinh nghiệm, “nhẹ dạ cả tin” và nôn nóng muốn kiếm tiền, nhiều bạn sinh viên bị “sập bẫy” bởi các chiêu trò lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội. Hậu quả là có nhiều trường hợp bị lừa cả trăm triệu đồng, thậm chí lên đến tiền tỉ chỉ trong vài ngày. 

Thị trường làm việc online đem đến nhiều cơ hội, nhưng bên cạnh đó cũng kèm theo không ít thách thức, đặc biệt là những "biến tướng" trong tuyển dụng online. Không ít học sinh, sinh viên đã mất tiền oan nhưng không giải quyết được vấn đề việc làm. 

Phóng viên (PV) đã liên hệ với một trang Facebook tên “Cộng tác viên 5.0” có ảnh đại diện là logo Shopee - sàn thương mại điện tử lớn nhất hiện nay. Theo bài đăng dưới  đây, Shopee đang cần tuyển một lượng lớn cộng tác viên (CTV) hỗ trợ hệ thống, thù lao hấp dẫn nhưng công việc lại đơn giản, không có định mức, không áp lực. Ở dưới phần bình luận, có hàng trăm người mong muốn được nhận công việc này dù không biết “hỗ trợ hệ thống” là làm gì.

Các thông tin tuyển dụng CTV được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội. Đáng chú ý là ở phần bình luận, rất nhiều người quan tâm đến công việc này (Ảnh: Sưu tầm Facebook).

Sau quá trình tiếp cận, phóng viên được chuyển qua làm việc trên nền tảng Zalo. Ở đây, các CTV sẽ gặp gỡ với người xưng là Quản lý bán hàng của Shopee, từ đây, cuộc săn mồi chính thức bắt đầu.

 

Để tạo dựng niềm tin ban đầu ở PV, người quản lý này liên tục dựa vào tên tuổi các sàn thương mại điện tử lớn và có thương hiệu. Sau đó, công việc mua hàng đơn giản với mục đích tăng lượt mua “ảo” cho các sản phẩm trên những sàn thương mại điện tử này được đưa ra. 

Sau quá trình thâm nhập và tìm hiểu, chúng tôi đúc kết quy trình lừa đảo của các đối tượng này như sau: Nạn nhân được cung cấp các tài khoản để mua hàng trên các ứng dụng thứ 3 không phải qua sàn thương mại điện tử. Sau khi các đầu mối phổ biến xong quy trình mua hàng, nạn nhân bắt đầu thực hiện mua những đơn hàng đầu tiên với giá trị thấp, khoảng dưới 1 triệu đồng. Thời điểm này, các nạn nhân vẫn được nhận tiền hoa hồng từ các đối tượng lừa đảo - điểm mấu chốt khiến cho con mồi trở nên tin tưởng vào quá trình này. Về sau, khi giá trị đơn hàng lớn hơn gấp nhiều lần, có thể lên đến cả chục triệu, dù có do dự nhưng các nạn nhân vẫn dễ dàng bị thuyết phục bởi những “kẻ đi săn”. Những đơn hàng giá trị lớn đó chắc chắn sẽ không được hoàn tiền, và đến lúc đó chỉ còn lại con mồi và dòng chữ “hiện bạn không thể liên lạc với người này”.

 

Để tạo dựng niềm tin ban đầu ở PV, người quản lý này liên tục dựa vào tên tuổi các sàn thương mại điện tử lớn và có thương hiệu. Sau đó, công việc mua hàng đơn giản với mục đích tăng lượt mua “ảo” cho các sản phẩm trên những sàn thương mại điện tử này được đưa ra. 

Trong quá trình đó, các đối tượng này liên tục có những chiêu trò làm cho nạn nhân trở nên tin tưởng. Nếu như có vấn đề gì xảy ra, các đối tượng sẽ trả lời và xử lý ngay. Một số đối tượng còn chụp ảnh căn cước công dân để lấy lòng tin. Như trường hợp dưới đây, khi phóng viên có thể hiện sự phân vân về việc đơn hàng có giá trị quá cao,các đối tượng liền tìm cách trấn an.

Tuy nhiên, khi đến thời điểm cần thúc đẩy sự cắn câu, các đối tượng này đưa ra lý do rằng cần phải làm đủ một số lượng đơn nhất định mới có thể lên làm CTV chính thức.

Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (NCSC), năm 2022 đơn vị đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến được báo cáo trên cả nước. Dù có nhiều cách thức triển khai khác nhau, hoạt động của kẻ gian có thể được phân thành 2 loại hình lừa đảo chính theo mục đích là đánh cắp thông tin cá nhân và tài chính. Các vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài chính (tiền và các loại tài sản khác) chiếm đa phần khi có tới 75,6% số vụ bị phát hiện thuộc dạng này. Lừa đảo để lấy thông tin chiếm 24,4%. Tuy nhiên, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hành vi đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính. 

Trong số đó, trường hợp nạn nhân là sinh viên được ghi nhận rất nhiều. Phải kể đến vụ lừa đảo quy mô lớn, với hàng trăm nạn nhân là sinh viên tại khu vực Cần Thơ vào tháng 6/2022. Theo phản ánh, có hơn 300 sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn TP. Cần Thơ bỗng dưng bị ôm khoản nợ từ 15 - 60 triệu đồng do đứng tên làm hồ sơ mua hàng trả góp (gồm điện thoại di động, laptop…) theo mời gọi của Trương Quang Anh Đức (22 tuổi, ngụ tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ).

 

Từ năm 2020 đến nay, Đức đã thực hiện hành vi trên và chiếm đoạt số tiền khoảng 4 tỷ đồng sau đó rời khỏi địa phương khiến nhiều sinh viên bỗng dưng ôm nợ, bị bên cho vay liên tục siết nợ, hăm dọa gây tâm lý hoang mang, lo sợ, nhiều em phải bảo lưu kết quả học tập để làm thuê kiếm tiền trả nợ. Các em đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an. Biết không thể chạy thoát, Trương Quang Anh Đức đã ra cơ quan công an đầu thú.

Trương Quang Anh Đức tại cơ quan Công an (Ảnh: Công An Cần Thơ)

Theo anh Nguyễn Trung Hiếu - Chuyên gia và giảng viên Content Marketing, PR tại Vinalink Academy chia sẻ với VTVnews: “Các đối tượng thường tập trung vào những mảng, ngách thị trường dành cho những lao động phổ thông, sơ đẳng trên Internet với những công việc như là: Gõ đánh máy văn bản, duyệt đơn online, thậm chí có những dạng xem video Tiktok bấm like cũng được trả tiền. Sinh viên sẽ dễ dàng bị lừa vào những công việc phổ thông, có tính cạnh tranh cao”.

Để tìm được công việc làm thêm phù hợp, các sinh viên cần đặc biệt lưu ý về những thông tin tuyển dụng công việc đơn giản nhưng lại có mức thu nhập cao. Các bài đăng không có địa chỉ làm việc cụ thể hoặc khi nhà tuyển dụng tiếp cận lại yêu cầu những khoản tiền bất hợp lý như lệ phí hay tiền cọc. 

Các bạn sinh viên nên tìm hiểu và lựa chọn những địa chỉ cung cấp việc làm uy tín, không chỉ vì muốn nhanh chóng kiếm tiền mà bỏ qua giai đoạn cần thiết như gửi hồ sơ, phỏng vấn, thử việc. 

TopCV - một trong số những nền tảng online cung cấp việc làm uy tín

Ông Nguyễn Quang Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM chia sẻ với Báo Người lao động: "Các em cần xác định việc học là chính, làm thêm chỉ là phụ nên tìm kiếm công việc nào phù hợp nhất với năng lực, thời gian học ở trường, đừng chạy theo công việc mà bỏ bê việc học tập. Chọn công việc thì phải tìm hiểu thật kỹ, đến những địa chỉ uy tín như Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM, Đoàn trường nơi đang học... để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp, tránh bị lừa đảo”.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cần xử lý mạnh tay đối với các công ty mạo danh tuyển dụng, lừa tiền sinh viên. Đồng thời thường xuyên phát hành các ấn phẩm truyền thông tuyên truyền về các chiêu thức lừa đảo mới nhất nhằm giúp người dân, đặc biệt là các bạn sinh viên dễ dàng nhận diện các hình thức lừa đảo, từ đó bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi những đối tượng xấu.

Thời gian gần đây, Bộ Công an đã liên tục ra cảnh báo việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, các nhóm lừa đảo có nhiều hình thức tinh vi như: Dụ dỗ đăng ký, sử dụng các dịch vụ online; Giả mạo các trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…) đánh cắp, chiếm đoạt thông tin dữ liệu cá nhân của người đăng nhập; Đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…), nhận việc làm tại nhà, không mất thời gian di chuyển… Đây là hành vi cực kỳ nguy hiểm và tiềm ẩn nhiều mối nguy hại cho xã hội.

KỲ 2

Bên cạnh công việc cộng tác viên online, sinh viên còn là nguồn nhân lực tiềm năng nằm trong mạng lưới của nhiều hệ thống công ty dược phẩm. Không qua đào tạo bất cứ một trường lớp nào về y dược, nhưng họ vẫn tự tin nhấc máy và tư vấn cho hàng nghìn bệnh nhân tiểu đường. 

Nếu như vị trí cộng tác viên online biến sinh viên thành “con mồi”, thì những sinh viên làm công việc như “thầy thuốc điện thoại” lại là “người đi săn”. Công việc mang lại nguồn thu nhập khủng nhưng lại nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân. Khi đảm nhận vị trí, sự việc không chỉ nằm ở vấn đề đạo đức mà đã chạm đến ranh giới của pháp luật. 

 

Bạn N.T.N.H là sinh viên năm nhất của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân Văn tại Hà Nội. Sau thời gian học trên trường, vì còn khá nhiều thời gian rảnh nên H đã tìm kiếm công việc làm thêm nhằm kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt. Tình cờ nhận được thông tin tuyển dụng vị trí chăm sóc khách hàng của công ty NutriZaBet. Vì đang là sinh viên, không có nhiều kinh nghiệm, chỉ làm việc bán thời gian nên đây là một công việc rất phù hợp với H.

Theo lời H, sau khi vượt qua vòng phỏng vấn, H được phân vào một nhóm nhỏ có vài chục người. Ngoài ra, H  được biết có rất nhiều nhóm nhân viên khác lên đến hàng trăm người, nhóm nhân viên của H chỉ thuộc dạng cấp thấp nhất.

Khi làm việc ở đây, các nhân viên ở mọi giới tính, mọi độ tuổi đều trở thành “dược sĩ” có chuyên môn cao. Những sản phẩm của công ty này được gắn mác Đông y, lành tính và an toàn cho sức khỏe. Mặc dù loại sữa chỉ có tác dụng hỗ trợ, nhưng trong quá trình quảng cáo và tiếp thị, người tư vấn phải liên tục nâng tầm công dụng của sản phẩm để nhiều khách hàng lầm tưởng đây như một loại thuốc có thể chữa bệnh tiểu đường.

“Chỉ cần đối phương nhấc máy, bọn mình sẽ liên tục nói như một cái máy về công dụng thần thánh của thuốc. Trước hết là vài câu hỏi về tình trạng của bệnh nhân, mình hỏi tạo cảm giác yên tâm cho người ta thôi chứ thực ra mình cũng không nắm bắt được các triệu chứng. Sau đấy, mình sẽ nhìn vào kịch bản có sẵn về các loại thuốc như: không phải tiêm, không có tác dụng phụ, rất nhiều người sử dụng và đã khỏi bệnh,...” H chia sẻ. 

 

Sau khi thấy bệnh nhân “bùi tai”, các nhân viên sẽ tìm cách bán hàng số lượng lớn, đủ sử dụng từ 3 đến 6 tháng. Giá thành lên tới cả chục triệu đồng. Việc lừa dối ngang nhiên kéo theo doanh số của các đội nhóm bán hàng tại tập đoàn vô cùng ấn tượng, lên đến cả trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, thông tin về những khách hàng đã sử dụng sản phẩm sữa hạt NutriZabet này lại rất khó có thể xác minh. Đáng buồn thay, chính các bạn sinh viên lại góp phần thực hiện hành động lừa đảo, dối trá. 

Hình ảnh tin nhắn phản hồi tích cực từ khách hàng được cắt ghép

Vậy, đối với hành vi trên, các bạn sinh viên đã thực hiện hành vi quảng cáo sai sự thật và có thể phải đối diện với mức xử phạt hành chính từ từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu tái phạm với mức phạt cải tạo không giam giữ 3 năm.

 

Trên thực tế, có nhiều sinh viên đủ thông tin để nhận biết rằng việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Nhưng, mức thu nhập cao, công việc đơn giản đã khiến những người trẻ bị hấp dẫn như một “ma lực”. Bên cạnh đó, các công ty “siêu lợi nhuận” này luôn có cách dụ dỗ các bạn sinh viên thiếu bản linh, thiếu kinh nghiệm. 

 

Trao đổi với PV, nhân vật H tâm sự, khi làm công việc này một thời gian, cô dần cảm thấy rất mệt mỏi và áy náy khi liên tục phải lừa dối. Khi nghĩ đến hậu quả về sức khỏe của các bệnh nhân từng tư vấn, H hối hận: “Lúc ứng tuyển vào công việc này mình cũng chỉ nghĩ đơn giản là tư vấn hay chăm sóc khách hàng thôi. Khi nhận ra đây là một công việc gian dối, mình cũng đã có ý định dừng lại. Nhưng bản thân mình lúc đó không có kinh nghiệm, không biết làm gì, thêm cả những ràng buộc hợp đồng nên mình cũng đắn đo rất nhiều. Tuy nhiên, sau khi nghĩ đến bố mẹ, ông bà mình cũng có thể sử dụng phải những sản phẩm này thì mình quyết tâm nghỉ hẳn”. 

 

Ngoài thị trường hiện nay, có hàng trăm công việc tương tự như “thầy thuốc điện thoại” nhắm đến sinh viên như một “con mồi” tuyển dụng, dụ dỗ tham gia vào công ty với những lời mời chào có cánh như “việc nhẹ lương cao”. Đối với chúng, đây chính là đối tượng dễ dụ dỗ và yếu thế nhất, không có khả năng phản kháng, lên tiếng. 

 

Còn với những bạn trẻ đang chật vật quá trình đi tìm việc cần phải tỉnh táo trước cám dỗ mang tên “việc nhẹ lương cao”. Trao đổi với báo Giáo dục & Thời đại, bà Lê Thị Thu Huyền - Giám đốc Công ty IGARTEN Egroup khẳng định: “Không bao giờ có việc nhẹ, lương cao. Trước khi nhận việc dễ mà lại nhiều tiền, sinh viên cần tìm hiểu thật kỹ công việc đó là gì. Khi đến nộp hồ sơ xin việc, nếu họ yêu cầu đặt cọc hay ứng tiền trước thì 100% là chiêu trò lừa đảo. Nếu có người mượn/thuê giấy tờ cá nhân thì chắc để lừa người khác bằng danh nghĩa của mình”.

 

Vì vậy, sinh viên nên trau dồi đủ kiến thức và kỹ năng của bản thân để từ đó tìm những việc làm uy tín, đặc biệt công việc phù hợp với ngành học. Khi làm việc, cần thực hiện giao kết lao động có sự chứng nhận của pháp luật và thăng tiến theo đúng quy trình, thời gian làm việc thực tế. 

bottom of page